Tóm tắt:

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục Công dân có vị trí, vai trò và ý nghĩa hết hết sức quan trọng góp phần hình thành nhân cách, chuẩn mực đạo đức cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, mặc dù nhiều ngành sư phạm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh do tình trạng thừa nguồn nhân lực thì ngành Giáo dục Công dân vẫn đang thiếu giáo viên một cách trầm trọng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các giáo sinh ngành Giáo dục Công dân ra trường có được việc làm ngay.

  1. Vị trí môn Giáo dục công dân

Môn Giáo dục Công dân là môn khoa học xã hội có vị trí rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Môn Giáo dục Công dân cung cấp cho học sinh hệ thống tri thức toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật…. Môn học này góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực cho học sinh; Hình thành và phát triển phương pháp suy nghĩ và hành động giúp học sinh trở thành con người có tri thức, phát triển hoàn thiện các mặt: Đức, Trí, Thể, Mĩ; Trực tiếp hình thành phẩm chất chính trị, đạo đức tư tưởng cho học sinh về thế giới quan và nhân sinh quan khoa học; Hình thành niềm tin, lý tưởng và ý thức pháp luật cho thế hệ công dân tương lai của đất nước.

  1. Vai trò môn Giáo dục Công dân

Giáo dục Công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người con người. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, Giáo dục Công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 Trước đây, môn Giáo dục Công dân chỉ được xem là môn học phụ, không được nhà trường và xã hội quan tâm đúng mức, không phải là môn thi tốt nghiệp. Từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa môn Giáo dục Công dân vào kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia. Nhiều trường đại học, cao đẳng lấy điểm thi tốt nghiệp, điểm học tập môn Giáo dục Công dân làm điểm xét tuyển trong tuyển sinh cho nhiều ngành nghề. Điều đó góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi hiện tượng suy thoái lối sống, đạo đức, nhân cách của con người, giúp họ trở thành công dân có ích cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ở trung học cơ sở vẫn lấy tên là môn Giáo dục Công dân còn ở trung học phổ thông tên môn học có sự thay đổi thành Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là học vấn phổ thông, kiến thức cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; Gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được đưa vào giảng dạy sau năm 2020.

  1. Cơ hội việc làm của môn Giáo dục Công dân

Hiện nay, nhiều ngành của hệ thống sư phạm bị thu hẹp chỉ tiêu vì tình trạng thừa giáo viên thì ngành Giáo dục Công dân đang thiếu trầm trọng. Tình trạng thiếu hụt giáo viên do trước đây trong các trường phổ thông có sự dạy đan chéo môn, tức giáo viên ở các môn khác sang dạy Giáo dục Công dân như: Văn – Giáo dục Công dân, Sử – Giáo dục Công dân, Địa – Giáo dục Công dân. Số giáo viên này chưa được đào tạo đúng chuyên ngành Giáo dục Chính trị, Giáo dục Công dân, Giáo dục Pháp luật nên đa số họ đều có tâm lý e ngại khi giảng dạy môn học này. Điều này dẫn đến việc giáo viên truyền đạt kiến thức không sâu, phương pháp giảng dạy nghèo nàn, chất lượng dạy và học hạn chế nên môn học chưa thu hút được học sinh.

Hơn nữa, chính lỗ hổng đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân đòi hỏi các trường đẩy mạnh chỉ đạo, nâng cao số lượng và chất lượng giáo viên. So với các ngành khác, chỉ tiêu dành cho ngành Giáo dục Công dân ngày một tăng lên nên đã mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tính định hướng mở cho ngành Giáo dục Công dân của khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể phát triển toàn diện. Sinh viên học hết năm thứ nhất có thể tiếp tục đăng ký học ngành thứ hai như Văn học, Ngoại ngữ, Tiểu học…. Điều này tạo cơ hội rất lớn để các chuyên ngành bổ túc cho nhau, sinh viên phát triển đa dạng hóa trong xu hướng mở, liên môn, chuyển đổi nghề nghiệp,… Sinh viên học tập tại Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng không chỉ có điều kiện phát triển toàn diện về Tâm và Tầm mà còn được hưởng các chế độ chính sách như: Miễn hoàn toàn học phí; nhận trợ cấp hằng tháng 3.630.000; có cơ hội nhận các suất học bổng có giá trị trong và ngoài nước…

  1. Kết luận

“Tiên học lễ, hậu học văn”, muốn trở thành những con người có ích cho xã hội, trước tiên phải rèn luyện thật tốt về đạo đức, nhân cách rồi mới đến chuyên môn. Môn học Giáo dục Công dân góp phần hình thành phẩm chất chính trị, đạo đức,lối sống và nhân cách của con người ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học ngành Giáo dục Công dân, cơ hội việc làm ngày càng mở rộng, đặc biệt trong chương trình Giáo dục phổ thông mới.

                                                                                  Nguyễn Văn Đông