Thế kỷ XXI là thế kỷ của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ hiện đại, của xã hội thông tin gắn liền với thời đại toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, hầu như tất cả các nước đều quan tâm đến chiến lược con người, coi con người và nguồn nhân lực là vấn đề trung tâm, yếu tố cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Do vậy, vấn đề này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành giáo dục Việt Nam là phải xây dựng nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên về mọi mặt. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương lớn góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực của ngành giáo dục và đào tạo nước ta, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Trường phổ thông ở các địa phương cũng cần đặt ra những chuyển biến tích cực đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện Giáo dục Việt Nam hiện nay.

Vị trí môn Giáo dục công dân ở nhà trường phổ thông đã được xác định trong Chỉ thị số 30/1998/CT-BDGĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20 tháng 5 năm 1998. Theo đó, môn Giáo dục công dân có vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách của học sinh thông qua việc cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về giá trị đạo đức – nhân văn, đường lối chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và pháp luật, kế thừa các truyền thống đạo đức, bản sắc dân tộc Việt Nam; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa; tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại và thời đại[1].

Tuy nhiên,trên thực tế, hiện trạng của sự nhận thức và quan niệm chưa đúng của các nhà quản lý, giáo viên (kể cả giáo viên bộ môn), học sinh và phụ huynh về vị trí, vai trò của môn Giáo dục công dân vẫn còn là một tình trạng khá phổ biến đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học cũng như vị thế của bộ môn này tại các cơ sở giáo dục ở nước ta hiện nay. Điều đó khẳng định sự cần thiết của việc đưa môn Giáo dục công dân trở về đúng vị trí, vai trò, chức năng của môn học, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay. Do đó, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng dạy – học môn Giáo dục công dân ở các trường phổ thông trong cả nước. Đặc biệt, trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định Giáo dục công dân là môn tự chọn trong tổ hợp môn Khoa học Xã hội. Gần đây, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở tiểu học, môn Giáo dục công dân ở trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở trung học phổ thông) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình dạy – học bộ môn chính là đội ngũ giáo viên. Người giáo viên Giáo dục công dân giữ vai trò rất quan trọng với nhiệm vụ “thổi hồn” mình vào nội dung bài học để truyền nhiệt huyết, niềm tin, lý tưởng cho các thế hệ thanh niên giúp cho học sinh có lối sống lành mạnh, có phẩm chất chính trị, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và với sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Giáo dục công dân về số lượng tuy có nhiều tiến bộ nhưng về cơ bản vẫn thiếu nhiều giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Nhiều giáo viên Giáo dục công dân hiện nay đang là giáo viên dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn (57%).     Chính vì vậy, đào tạo đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng được những yêu cầu đổi mới đang ngày càng mạnh mẽ ở các trường phổ thông hiện nay là yêu cầu bức thiết đang đặt ra đối với các cơ sở đào tạo giáo viên Giáo dục công dân, trong đó có phần lớn các trường đại học, các khoa sư phạm trong cả nước đào tạo ngành sư phạm Giáo dục chính trị trong cả nước.

 Ngày 18 tháng 09 năm 2002, Khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng được thành lập và mở mã ngành Cử nhân sư phạm Giáo dục Chính trị góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ khoa học có chất lượng cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đến nay, Khoa đã có hơn 15 năm tuyển sinh và đào tạo gần 1200 sinh viên ngành Giáo dục Chính trị. Mục tiêu đào tạo của ngành làđào tạo giáo viên bộ môn Giáo dục công dân ở các cấp họcphổ thông;giảng viên các môn khoa học Mác – Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học, cao đẳng, các trường chính trị ở địa phương, giáo viên chính trị ở các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; làm công tác tư vấn cho các phòng, sở Giáo dục – đào tạo về chuyên môn giáo dục công dân; cán bộ đảm nhận tốt nhiệm vụ tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chứcchính trị – xã hội.

Khi học tập và rèn luyện tại khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, người học được hưởng tất cả các quyền lợi của sinh viên theo quy định của pháp luật (học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí và các ưu đãi khác đối với sinh viên các gia đình khó khăn), được nhà trường đảm bảo các điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Người học không phải đóng học phí; chỉ mất tiền ăn, ở và các chi phí sinh hoạt cá nhân trong quá trình học tập; nếu học tập, rèn luyện tốt thì được nhà trường trợ cấp học bổng theo quy định của pháp luật. Người học được hưởng những lợi thế của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. So với khối ngành học khác, sinh viên học chuyên ngành này sẽ có ưu thế nổi trội về cơ hội, khả năng xin việc làm và khả năng thành đạt, trưởng thành, phát triển bản thân trong thực tiễn cuộc sống.Ngoài việc học chuyên môn, người học còn được thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và các kỹ năng mềm cần thiết để có thể trở thành đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội.

Hằng năm, các thế hệ sinh viên ngành Giáo dục Chính trị tốt nghiệp ra trường trở thành những giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, thành ở miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước.

Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mạng của mình, khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mang đến cho người học những cơ hội, những điều kiện tốt nhất để họ phát huy năng lực sáng tạo, tích cực rèn đức, luyện tài, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Th.S Nguyễn Thị Hương