Ngoài việc miễn học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm, thì từ năm 2021, việc đào tạo giáo viên sẽ thực hiện theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu của các địa phương.

Thu hút người giỏi vào học trường sư phạm

Ngày 29.4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương.

Theo ông Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GDĐT), Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học. Ngoài ra, sinh viên sư phạm được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Nếu sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Với các chính sách mới, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thu hút người giỏi vào học trường sư phạm, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Địa phương có thể đặt hàng đào tạo giáo viên

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) Phạm Như Nghệ, ngoài việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn có nhiều điểm mới, trong đó có việc đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương.

Từ năm 2021, việc này sẽ được thực hiện dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo. Đồng thời quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.

Để triển khai các quy định trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Bộ GDĐT vừa có công văn hướng dẫn các địa phương, các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Tại hội nghị, đại diện Bộ GDĐT cho biết, UBND các tỉnh sẽ xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc, đặt hàng đào tạo các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương.

Cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho địa phương trên cơ sở phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GDĐT thông báo và nhu cầu sử dụng của địa phương, có thể nhận đặt hàng của các địa phương khác.

Bộ GDĐT sẽ xác định và thông báo chỉ đào tạo giáo viên đối với các cơ sở đào tạo giáo viên. Công khai thông tin về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước để các địa phương, người học tham khảo.

Dự kiến, Bộ GDĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên trên cổng thông tin của Bộ trước ngày 15.5. UBND cấp tỉnh hoàn thành giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15.6.

Bộ GDĐT cũng sẽ tổ chức để các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng phần mềm dùng chung nhằm hỗ trợ các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên điều phối cung – cầu cho việc tổ chức đặt hàng và nhận đặt hàng đào tạo giáo viên phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương, cũng như năng lực đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục.

BÍCH HÀ