GDVN- Nếu có cơ hội phát biểu ở Hội trường Diên Hồng thì thầy giáo trẻ mong muốn nói lên tâm tư, nguyện vọng của những giáo viên vùng cao, những điểm nóng của giáo dục.
Là một trong những ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV tại Quảng Nam, thầy giáo trẻ Zơ Râm Duy (sinh năm 1992, người dân tộc Cơ Tu), hiện là giáo viên Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Nam là người có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục.
Ứng cử viên trẻ tuổi người Cơ Tu
Sinh ra và lớn lên ở thôn KôngTơRơn (xã LaDêê, huyện Nam Giang, Quảng Nam), Duy thấm thía nỗi nhọc nhằn, khó khăn của con em vùng cao trong ước vọng tiếp cận con chữ.
Biết bao thế hệ thầy cô đã “gánh chữ” dưới xuôi lên soi sáng tri thức những bản làng, xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã tồn tại bao đời. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Zơ Râm Duy đã mang trong mình ước mơ cháy bỏng được trở thành một thầy giáo để gieo chữ cho con em bản làng.
Ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Giáo dục Chính trị, Duy được phân công về trường nội trú tỉnh, nơi đào tạo cho con em người dân tộc thiểu số đến từ các bản làng dọc dãy Trường Sơn.
Chàng thanh niên Cơ Tu vừa đam mê truyền nghề, vừa hăng hái tham gia các hoạt đồng Đoàn để hỗ trợ, tạo sân chơi cho học sinh trong những ngày trọ học xa nhà.
“Khi được giới thiệu ra ứng cử, với bản thân em thì đây là một niềm vui, niềm tự hào vô cùng lớn. Nhưng cũng xác định trách nhiệm nặng nề, là nhiệm vụ khó khăn phải hoàn thành.
Nếu được cử tri tín nhiệm thì bản thân sẽ cố gắng hết sức để làm tốt vai trò của một đại biểu dân cử”.
Chia sẻ về chương trình hành động của mình, Zơ Râm Duy nói, là giáo viên từng nhiều năm đứng lớp nên bản thân cảm nhận được “sức nóng” của những vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.
“Vấn đề được quan tâm hiện nay là hướng nghiệp cho học sinh. Bởi thực tế, nhiều học sinh không được định hướng rõ ràng, cứ mãi chạy theo suy nghĩ ‘học xong phổ thông phải vào Đại học’, mà không nghĩ hướng ra sau này sẽ làm gì?
Thực tế giảng dạy tại trường, tôi luôn định hướng cho các em lựa chọn con đường đúng đắn cho mình, trên cơ sở khả năng kiến thức, kinh tế của bản thân, gia đình chứ không nhất thiết phải vào Đại học bằng mọi giá.
Nhà trường, gia đình phải định hướng cho các em có thể chọn học nghề, để sau này ra trường sẽ có công ăn, việc làm có thu nhập tốt.
Bản thân các trường khi tổ chức đào tạo cũng phải gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em.
Trên cơ sở đó, tôi nghĩ rằng, vấn đề hướng nghiệp cho học sinh phải là sự liên kết, chia sẻ giữa nhà trường – gia đình – doanh nghiệp”.
Trong câu chuyện của mình, thầy Duy cũng chia sẻ trăn trở lớn nhất của anh đối với ngành giáo dục có lẽ là sự thay đổi quá nhanh, đổi mới liên tục khiến phụ huynh, học sinh khó theo kịp.
“Quá trình thay đổi liên tục thì phụ huynh, học sinh rất khó để thích ứng, bắt kịp. Hơn nữa, giáo dục hiện không định hướng rõ ràng sẽ đi theo hướng nào. Cũng ko định hình để tạo sự thống nhất mà để xảy ra thay đổi quá nhiều.
Rồi vấn đề hồ sơ sổ sách của giáo viên dù đã có văn bản của Bộ yêu cầu bỏ nhiều nhưng thực tế tại các trường vẫn còn quá nhiều, giáo viên ôm không xuể.
Cùng với đó là nhiều chương trình tập huấn không hiệu quả, vừa gây tốn kém vừa lãng phí thời gian của thầy cô”.
Thầy Duy cũng đề cập đến vấn đề đổi mới sách giáo khoa còn nhiều bất cập, hạn chế mà ngành giáo dục chưa tính đến.
“Như thời của chúng tôi, anh trai học trước để lại sách cho em út sau học lại bình thường. Nó vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang tính kế thừa, ổn định.
Còn bây giờ, học sinh học xong tập sách nào thì vứt tập đó, người sau không dùng lại được”, thầy Duy chia sẻ.
Chăm lo cho đời sống giáo viên cắm bản
Liên quan đến đời sống giáo viên vùng cao, thầy Duy cho rằng, cần có thêm những cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên từ miền xuôi ngược lên miền núi.
“Cần phải tạo động lực, tinh thần cho những giáo viên cắm bản để họ có thể yên tâm công tác. Về lương bổng, chế độ đãi ngộ cho các thầy, cô cũng cần được quan tâm tương xứng vì họ đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh khi phải rời xa gia đình lên đó “cắm chốt”.
Thực tế tại các vùng cao không có nhiều nhà tập thể công đoàn nên giáo viên vẫn phải tá tục, ở trọ, ở tạm nhà dân để dạy học.
Nên chăng cần có một nhà tập thể công đoàn để thầy cô có thể về đó sinh hoạt, sinh sống nhằm ổn định việc dạy học”.
Thầy Duy dẫn chứng, như đợt mưa lũ vừa qua tại Phước Sơn và Nam Trà My hồi tháng 10 năm ngoái đã cuốn trôi nhiều nhà tập thể, đồ dùng dạy học, xe máy của giáo viên.
May mắn là không có thầy, cô học sinh nào bị thương. Mưa lũ cũng đã cuốn bay nhiều điểm trường ở Tắk Pổ, Tắk Rối (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khiến giáo viên phải mượn tạm nhà dân để dạy học.
Do đó, việc đầu tư nhà công đoàn cho giáo viên là điều cần thiết.