Sư phạm âm nhạc

Ngành Sư phạm âm nhạc (Music Education)

Mã ngành: 52140221

Trình độ đào tạo: Đại học, hệ chính quy

———————————————————————–

    Âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, phát triển nhân cách của con người. Nghệ thuật âm nhạc ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Sức mạnh cảm hoá của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn.

Ở trường phổ thông, môn Âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể chất; góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo cơ sở hình thành nhân cách con người. Âm nhạc trong nhà trường với tư cách là một môn học có mục đích giáo dục văn hoá âm nhạc cho học sinh nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản, bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy ở các em những khả năng sáng tạo trong hoạt động âm nhạc, củng cố thêm về tình cảm đạo đức, về niềm tin thị hiếu nghệ thuật và nhu cầu âm nhạc. 

Đào tạo nên một đội ngũ giáo viên có vốn kiến thức âm nhạc vững vàng, có một trái tim yêu thương nồng cháy đối với học sinh, luôn khát khao được làm “người lái đò cần mẫn” đưa các em đến bến bờ của Chân – Thiện – Mỹ do đó, càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế, văn hóa thế giới. Nhiệm vụ đó đang đặt trên đôi vai của đội ngũ giảng viên giảng dạy âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng là cơ sở duy nhất đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc bậc Đại học Chính quy tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Chương trình học được xây dựng theo chuẩn đào tào tạo giáo viên phổ thông mới do Bộ GD&ĐT ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho SV khi ra trường có thể dễ dàng tiếp cận với việc giảng dạy âm nhạc ở trường phổ thông (sau năm 2020). Cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, thường xuyên được đầu tư, nâng cấp như hệ thống đàn Piano, Keyboard, Âm thanh, Ánh sáng, Sân khấu,… giúp SV có môi trường học tập và thực hành tốt.

Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp:

– Dạy học môn Âm nhạc ở trường phổ thông

– Giảng dạy âm nhạc tại các trường Nghệ thuật chuyên nghiệp

– Làm Tổng phụ trách Đội ở trường THCS

– Làm cán bộ Đoàn các cấp (phường, xã; quận huyện; tỉnh, thành phố)

– Làm chuyên viên âm nhạc ở các sở, phòng văn hóa – thể thao và du lịch.

Chương trình – Sư phạm âm nhạc

Kế hoạch – Sư phạm âm nhạc