Môn Giáo dục Công dân (GDCD) có vị trí quan trọng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông mới. Thông qua các bài học về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, kinh tế, môn học giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin và cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kỹ năng sống và bản lĩnh vững vàng để sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Chương trình môn Giáo dục Công dân có 4 mạch nội dung kiến thức là: Giáo dục Đạo đức, Giáo dục Kỹ năng sống, Giáo dục Kinh tế, Giáo dục Pháp luật; các mạch nội dung này được phân chia thành các chủ đề và chuyên đề học tập xuyên suốt 3 cấp học từ cấp Tiểu học đến THPT. Với phương thức giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học, nhất là các môn học thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Hoạt động trải nghiệm, các môn Đạo đức (ở tiểu học), Giáo dục Công dân (ở THCS), Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (ở THPT) là những môn học cốt lõi.
Chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT) mới đặt ra yêu cầu cao đối với công tác đào tạo giáo viên mới ở các Trường Đại học Sư phạm.
Chương trình đào tạo giáo viên Giáo dục Công dân ở Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng chú trọng nội dung kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thực hành, thực tập, gắn quá trình đào tạo ở trường đại học với thực tiễn nhà trường phổ thông. Bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống các Trường THCS và THPT vệ tinh ở Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục, hàng năm Nhà trường đã tổ chức cho sinh viên xuống Trường Phổ thông thực tập thường xuyên (thực tập vệ tinh) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên sớm được trải nghiệm, thực hành công tác giáo dục và dạy học ở trường phổ thông để được trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh.
Để thực hiện Chương trình GDPT mới, Nhà trường luôn chú trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, chú trọng các phương pháp dạy học tích cực; phương pháp đánh giá theo năng lực, bao gồm các phương pháp kết hợp đánh giá qua nhiệm vụ học tập với đánh giá qua nhận xét thái độ, hành vi của học sinh; kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì; kết hợp đánh giá của giáo viên với đánh giá của học sinh, đánh giá của gia đình và các tổ chức xã hội. Chú trọng hình thành, phát triển cho sinh viên năng lực phát triển chương trình, giúp sinh viên-giáo viên có khả năng cập nhật, phân tích, xử lí thông tin trong đời sống hằng ngày để lựa chọn, bổ sung vào nội dung dạy học và tự xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện của Nhà trường, với đối tượng học sinh.
Ngành Giáo dục Công dân (mã ngành đào tạo: 7140204) với 04 tổ hợp xét tuyển và các môn xét tuyển là: 1) C00: Ngữ văn + Lịch sử + Địa lý; 2) C20: Ngữ văn + GDCD + Địa lý; 3) D66: Ngữ văn + Tiếng Anh + GDCD; 4) C19: Ngữ văn + GDCD + Lịch sử.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, là Trường Đại học công lập năng động, một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, nơi đồng hành và trao cho bạn nhiều cơ hội để khơi nguồn sáng tạo, đánh thức đam mê và khởi nghiệp thành công.
TS. Vương Thị Bích Thủy – GV Tổ LLCT