Cô giáo Đào Thị Cúc là cựu sinh viên lớp 02SGC thuộc Khoa Giáo dục chính trị – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, cô là sinh viên khóa đầu tiên của Khoa khi mới thành lập năm 2002. Trong quá trình học tập, cô nổi bật là sinh viên gương mẫu, ngoan ngoãn, chăm chỉ, quan hệ tốt với các bạn bè cùng trang lứa và tham gia rất tốt các hoạt động Đoàn do Khoa và Nhà trường tổ chức.
Năm học 2006 – 2007, sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm, cô giáo Cúc đến Bình Thuận nộp đơn xin dạy học và được bố trí về Trường THPT Ngô Quyền, Bình Thuận. Trường THPT Ngô Quyền được thành lập từ ngày 8/9/2000, nằm ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Cô tâm sự: “những ngày đầu bước chân đến đảo, rất bỡ ngỡ, khó khăn tưởng chừng không thể bám trụ lâu dài. Vậy mà, không ngờ đảo đã níu chân tôi và mãi sau này không thể đi nơi khác được nữa”. Là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD), một môn học khá khô khan, học sinh thường xem là môn phụ. Xác định đó là một vấn đề khó khăn, cô Cúc luôn trăn trở, suy nghĩ và tìm kiếm phương pháp dạy học làm sao để học sinh luôn yêu thích môn học. Bằng cách vận dụng phương pháp tích hợp, tuyệt đối không dạy chay sẽ rất khô khan. Những bài học giáo dục công dân luôn sinh động bởi được tích hợp rất nhiều kiến thức ở các môn liên quan. Cô Cúc cho biết, có khi phải đưa những bài hát, ca dao, tục ngữ hoặc những công thức toán học, phương trình phản ứng… vào bài giảng để làm phong phú và đa dạng.
Bên cạnh đó tại trường THPT Ngô Quyền, Tổ Sử – Địa – GDCD đã tổ chức các buổi dạy học ngoài thực tế dành cho học sinh khối 12 của trường. Trong các buổi dạy học này, các em đã được tham quan nhiều địa điểm gồm: Trạm khí tượng Hải Văn Phú Quý; Các di tích lịch sử cấp quốc gia tại địa phương: Chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh, đền thờ Công chúa Bàn Tranh…. Tại đây, các em đã được thầy cô, ban quản lí các địa điểm giảng dạy và hướng dẫn. Tại trạm khí tượng Hải Văn Phú Quý, các em đã hiểu rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của trạm khí tượng Hải Văn Phú Quý đối với công tác dự báo thời tiết, cũng như được giới thiệu các thiết bị đo đạc, quan trắc tại đây. Đối với các di tích lịch sử, học sinh được tiếp thu kiến thức về lịch sử hình thành và phát triển. Từ đó, giúp các em hiểu thêm các giá trị văn hóa tại đảo Phú Quý. Giáo dục các em về vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử tại địa phương.
Với những cố gắng của mình cô đạt giải ba về “Dạy học theo chủ đề tích hợp” cấp quốc gia, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, đó là thành tích của sự nỗ lực miệt mài sau những năm tháng “cống hiến” nơi đảo xa.
Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu của cô Đào Thị Cúc gửi tới độc giả:
Cô giáo: Đào Thị Cúc trong tiết dạy môn GDCD, cựu sinh viên lớp 02SGC
Học sinh đóng vai trong tiết học môn GDCD
Học sinh đảo Phú Quý tặng quà cô giáo Cúc
Tiết học trải nghiệm thực tế môn Giáo dục công dân tại đảo Phú Quý
Cô giáo Đào Thị Cúc nhận khen thưởng từ các cấp
Tác giả: Hồ Thanh Hải (GV Tổ LLCT và Phương pháp, Khoa GDCT – Trường ĐHSP – ĐHĐN)