Theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc THPT sẽ chính thức bắt đầu với lớp 10 vào năm học 2022 – 2023. Trong đó môn nghệ thuật, bao gồm âm nhạc và mỹ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình THPT.
Thực tế hiện nay phần lớn các trường chưa có giáo viên (GV) dạy môn học này nên lãnh đạo nhiều trường lo lắng.
Tại TP.HCM, việc tuyển GV âm nhạc và mỹ thuật ở bậc tiểu học, THCS nhiều năm nay luôn trong tình trạng “tuyển hoài mà vẫn thiếu”. Chẳng hạn như ở Q.Bình Tân có những năm, các môn toán, vật lý, hóa học có nguồn tuyển phong phú dẫn đến tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/10 thì các môn âm nhạc, mỹ thuật lại không có ứng viên đăng ký dự tuyển. Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục H.Bình Chánh, từng thông tin: “GV mỹ thuật và âm nhạc luôn luôn thiếu nguồn tuyển, có những năm các trường đề xuất lên cần 8 đến 11 GV mà không có người tuyển”.
Theo phân phối chương trình bậc tiểu học hiện hành, học sinh học mỗi môn nói trên với thời lượng 1 tiết/tuần nên lượng GV đòi hỏi không cao. Còn sắp tới đây, khi áp dụng chương trình mới, thời lượng các môn học này được phân bổ từ lớp 10 đến lớp 12 là 2 tiết/tuần, do vậy các trường cần số GV khá lớn.
Ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), tính thử với 57 lớp như hiện nay, đem nhân với 2 tiết/tuần và chia cho định mức tiết dạy của GV/tuần là 17 thì trường cần khoảng 16 GV âm nhạc và mỹ thuật. Còn tính số GV cần cho tổng số lớp ở bậc THPT hiện nay của TP.HCM khoảng 4.500 lớp thì mỗi môn học trên cần khoảng 500 GV.
Trong khi đó theo tìm hiểu, hiện TP.HCM có 2 trường là Trường ĐH Sài Gòn đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc và Trường ĐH Mỹ thuật đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước là khoảng 100. Theo lãnh đạo các trường, không thể chắc chắn 100 sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ theo ngành sư phạm và ở lại TP.HCM làm việc nên khó đủ người.
Ngoài ra, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD-ĐT, cho hay ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật chưa tạo được sức hút đối với các thí sinh và rất ít sinh viên theo học nên việc tuyển dụng sẽ rất nan giải.
Trước những khó khăn về nguồn nhân lực được đặt ra, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho rằng các trường ĐH cần có kế hoạch đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy trong các trường THPT. Sở GD-ĐT cũng cần phải định hướng và dự báo nguồn nhân lực để có phương án phối hợp với các trường ĐH tạo nguồn nhân lực cho các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Huỳnh Long thông tin, Sở có kế hoạch làm việc với các trường đào tạo về ngành mỹ thuật, âm nhạc “đặt hàng trước” để hạn chế tình trạng khan hiếm GV. Đây thật sự cũng là cơ hội để học sinh THPT nếu có định hướng, có năng khiếu, có đam mê với ngành sư phạm thì có thể lựa chọn ngành nghề cho tương lai.
Bích Hạnh (Báo Thanh niên)