Là một trong những cựu sinh viên lớp 03GC – khóa thứ hai của Khoa Giáo dục Chính trị, tôi luôn tự hào rằng mình đã được rèn luyện và phát triển ở cái nôi Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng – ngôi trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục đầu tiên trong cả nước và là một trong 7 trường Đại học Sư phạm trọng điểm Toàn quốc.

         Nhớ ngày nào cầm Giấy báo trúng tuyển Đại học trên tay, tôi vui mừng đến không kìm được cảm xúc, đôi chân cứ nhảy lên như muốn nói với cả thế giới rằng, tôi đã được thỏa lòng theo đuổi ước mơ của mình, được tiếp cận với những tri thức Lý luận chính trị, được đọc những cuốn sách về Chính trị gia, và hơn hết là sẽ được phục vụ trong ngành Lý luận chính trị – một trong những ngành nghề tôi theo đuổi bấy lâu nay. Cứ nghĩ về những điều đó, đặc biệt là tôi sẽ từ biệt xóm nghèo nhỏ đến nơi phồn hoa đô thị học tập, nghiên cứu trong khoảng thời gian 4 năm là trái tim tôi đập rộn ràng, đôi mắt sáng ngời lên, đôi má ửng hồng. Giờ đây, khi đã có một gia đình nhỏ ổn định, đã khẳng định được vị trí của mình trong cơ quan công tác – Văn phòng huyện ủy huyện Hiệp Đức, Tỉnh Quảng Nam, nhìn lại chặng đường gắn bó với Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, trái tim vẫn thổn thức về cái thời rực rỡ và cháy bỏng khát vọng tuổi trẻ.

         Ngày ấy, gia đình 03SGC có tất cả 64 thành viên đến từ các tỉnh thành trên mọi miền Tổ quốc. Đông đúc nhất là Thanh Hóa, xa nhất là Phú Thọ, gần nhất là Đà Nẵng. Ngày ấy, khoa Giáo dục Chính trị mới được 2 tuổi, chúng tôi là khóa tuyển sinh thứ hai của Khoa. Ngày ấy, Trưởng khoa là Thầy Cao Đức Dũng, phó trưởng Khoa là thầy Tạ Văn  Viễn, trợ lý Khoa là cô Nguyễn Thị Liên. Tất cả mới chỉ có vậy. Rất gọn nhẹ về mặt cơ cấu hành chính thế nhưng, đằng sau đó là cả một lực lượng giảng viên hùng hậu, vừa có kinh nghiệm, vừa có học hàm, học vị cao của Trường Đại học Kinh tế tham gia giảng dạy. Ra trường rồi, chúng tôi vẫn còn nhớ như in bài giảng triết học vui vẻ của PGS.TS Lê Hữu Ái, những bài giảng song ngữ của PGS.TS Nguyễn Tấn Hùng, bài giảng về tôn giáo êm ái của Th.S Lê Đức Tâm cùng nhiều thầy cô khác. Dưới sự giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm Võ Tá Trung, chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn trong học tập, quen với phương pháp và môi trường nghiên cứu mới. Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô trong Khoa, chúng tôi đã mang về những thành tích học tập đáng tự hào trong kỳ thi Olympic Mác – Lênin khu vực miền trung Tây Nguyên và Toàn quốc; thi học sinh giỏi các môn Lý luận Chính trị v.v… Ai cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng, đầu ra của ngành Giáo dục chính trị mà chúng tôi đang theo đuổi là chỉ có thể trở thành thầy cô giáo dạy học môn Giáo dục công dân ở phổ thông. Lớp chúng tôi đã nỗ lực tập giảng, rèn luyện phương pháp và nghiệp vụ sư phạm. Phong trào học tập trở nên sôi nổi hơn. Tranh thủ ngoài thời gian học tập trên trường, chúng tôi tổ chức cuộc thi như: viết đúng chính tả,  viết chữ đẹp, xử lý tình huống sư phạm, thuyết trình, tổ chức hoạt động ngoại khóa v.v…Thông qua những hoạt động trên, các thành viên trong lớp vừa gắn bó với nhau hơn, vừa hiểu nhau hơn. Đến năm thứ ba, nhận thức của chúng tôi có sự phát triển lớn. Trở thành giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở phổ thông chỉ là một sự lựa chọn phổ biến, mà ngày nay chúng ta dùng thuật ngữ Chuẩn đầu ra để biểu thị, chúng tôi còn có thể làm trong Ban tuyên giáo của huyện ủy, phụ trách mảng thanh niên trong công tác đoàn của nhiều cơ quan đoàn thể, giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị v.v… Với nhận thức này, phong trào học tập của chúng tôi lại tiếp tục được khuấy lên. Chúng tôi thi đua nhau học tập tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Nhờ quá trình phấn đấu không mệt mỏi, đến ngày ra trường, chúng tôi hân hoan khi vừa tích lũy được kiến thức vững chắc, vừa được trang bị kỹ năng, nghiệp vụ tự tin bước vào giai đoạn mới tìm việc và đi làm. Thật phấn khởi, mọi thành viên của lớp đều tìm được việc, bước đầu ổn định cuộc sống.

         Ngày nay, gặp lại nhau sau 10 năm ra trường, tôi nhận thấy rằng ai cũng thành đạt. Một lực lượng lớn của lớp trở thành giáo viên dạy học môn Giáo dục công dân ở cấp 2 và cấp 3. Một lực lượng lớn nữa thì phục vụ trong ngành Ban Tuyên giáo của huyện ủy. Bộ phận còn lại trở thành giảng viên của các trường cao đẳng, đại học. Hành trang kiến thức, kỹ năng và thái độ chúng tôi rèn luyện 4 năm dưới mái nhà Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là công cụ hữu hiệu để chúng tôi làm việc. Chúng tôi khẳng định được năng lực của mình nơi công tác, có được sự tin tưởng mến yêu của đồng nghiệp, có được cơ hội thăng tiến trong công việc. Đây là thành công của cá nhân nói riêng và là thành công của Khoa Giáo dục Chính trị nói chung. Không có những năm tháng miệt mài đèn sách dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo nhiệt tình của thầy cô Khoa Giáo dục Chính trị, đã không có một thế hệ học trò giỏi của ngày hôm nay.

         Bản thân tôi hiện nay là Phó Chánh văn phòng Huyện ủy huyện Hiệp Đức – Tỉnh Quảng Nam. Là cơ quan tham mưu, giúp việc huyện uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực huyện uỷ trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện uỷ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện uỷ, để làm tốt công việc hiện nay của mình, những kiến thức mà tôi tích lũy được khi là sinh viên của Khoa Giáo dục Chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thế giới quan, phương pháp luận khoa học của Triết học; đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã cho phép tôi có cái nhìn khái quát, đưa ra những nhận xét, đánh giá, hiểu biết đúng đắn về sự việc cụ thể, quá trình tham mưu cho huyện ủy có hiệu quả cao. Trong tiềm thức của mình, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là cái nôi nuôi tôi trưởng thành về mặt chuyên môn, nơi trao truyền cho tôi những tri thức quý báu, làm hành trang suốt cuộc đời giúp tôi trưởng thành, vững tin. Nhớ về Khoa, tôi lưu lại trong trái tim mình hình dáng người Thầy giáo, Cô giáo ân cần, dịu dàng, hết lòng vì sự phát triển của thế hệ sinh viên. Tôi muốn chia sẻ với các bạn đã và đang là sinh viên Khoa Giáo dục chính trị, chia sẻ với những bạn trẻ sắp đưa ra quyết định chọn ngành nghề trong tương lai rằng thành công của mỗi người ngày hôm nay phần lớn do nỗ lực không mệt mỏi quá trình tích lũy ở đại học. Được sống trong môi trường có thầy cô giỏi, môi trường tốt như Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là hạnh phúc của không chỉ riêng tôi mà là thế hệ trẻ.  

         Mặc dù đã ra trường rồi, chúng tôi không ngừng tăng cường kết nối với Khoa với Trường. Khó khăn trong công việc, trong cuộc sống chúng tôi tiếp tục nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ của thầy cô trong Khoa. Dù đang ở đâu làm việc và sinh sống, chúng tôi luôn hướng về Khoa, tự hào là thế hệ sinh viên thứ hai của Khoa. Kính chúc các thầy cô  sức khỏe, hạnh phúc, ngày càng có nhiều cống hiến trong sự nghiệp trồng người!

Nguyễn Thị Hải Vân

Phó Chánh văn phòng huyện ủy – Huyện Hiệp Đức – Tỉnh Quảng Nam

Đt: 0975 776 052;  Email:vanvphuhiepduc@gmail.com