GDVN- Ngoài việc được nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng thì cơ hội việc làm của sinh viên Sư phạm sau khi tốt nghiệp cũng rộng mở hơn.

Tại chương trình “tư vấn trực tuyến tuyển sinh Đại học hệ chính quy” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 7/3, rất nhiều câu hỏi liên quan đến cơ chế chính sách đào tạo cũng như cơ hội việc làm của ngành Sư phạm đã được gửi đến Ban tư vấn.

Tiến sĩ Bùi Bích Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về đào tạo giáo viên. Ảnh: AN

Việc lựa chọn ngành Sư phạm trong những năm gần đây đối với thí sinh cũng như phụ huynh là một quyết định khá khó khăn.

Bởi những bất cập về chính sách đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường thất nghiệp cũng như tâm lý xã hội cho rằng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”… đã khiến ngành học này khó tuyển được người tài.

Tuy nhiên, với những đổi mới trong đào tạo và chính sách “đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế, đơn đặt hàng của địa phương” thì ngành đào tạo giáo viên đang dần lấy lại vị thế.

Một học sinh gửi câu hỏi đến Ban tư vấn như sau: “Em rất muốn trở thành một giáo viên dạy Toán nên em chọn thi vào trường Sư phạm.

Em có nghe thông tin là sinh viên sư phạm năm nay ngoài các chính sách miễn học phí thì còn được hỗ trợ thêm chi phí học tập, nhờ thầy cô có thể giải đáp thêm về thông tin này? Ngoài ra thì cơ hội việc làm của ngành này như thế nào?”.

Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Bích Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, theo Nghị định 116 của Chính phủ thì sinh viên sư phạm ngoài được miễn hoàn toàn học phí còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Đây là chính sách hứa hẹn thu hút các bạn sinh viên thi vào trường sư phạm trong năm 2021. Tuy nhiên, đi kèm với đó là điều kiện khi sinh viên nhận hỗ trợ này thì phải cam kết công tác trong ngành giáo viên sau khi tốt nghiệp.

Do đó, các bạn sinh viên cũng băn khoăn là cơ hội việc làm của các bạn sau khi ra trường như thế nào?

Tôi muốn giải thích rõ là Nghị định 116 quy định rõ cách xác định chỉ tiêu của các ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh của các trường Đại học Sư phạm.

Cụ thể, các địa phương xác định nhu cầu của địa phương mình về đội ngũ giáo viên 4 năm sau. Tức là thống kê cho được nguồn giáo viên hiện cần có là gì, căn cứ vào đó, các trường Sư phạm sẽ xác định năng lực đào tạo của mình, có đáp ứng được nhu cầu đào tạo giáo viên của các địa phương hay không?

Một bước cuối cùng, tôi nghĩ rất quan trọng thể hiện tầm vóc, uy tín đó là các Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương có chọn trường Sư phạm để ký kết hợp tác đào tạo giáo viên hay không?

Chúng tôi hy vọng rằng, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn Đại học Sư phạm Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên thực hiện ký kết này và đáp ứng nguồn nhân lực đào tạo giáo viên chất lượng cao khu vực miền Trung – Tây nguyên”, cô Hạnh chia sẻ.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, dự kiến năm 2021, Trường sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành này lên gần 2.000 chỉ tiêu.

Đó là cơ hội tăng thêm cho các bạn trẻ đam mê nghiệp “lái đò”. Và tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường năm 2021 là trên 3.000 chỉ tiêu.

Nhất là khi hệ thống các trường tư thục cũng đang có những bước phát triển lớn, tạo cơ hội cho sinh viên các ngành sư phạm. Đây là một khung cửa không hẹp đối với sinh viên sư phạm.Cô Hạnh cũng chia sẻ thêm, đối với ngành đào tạo giáo viên thì nhu cầu của xã hội còn khá lớn, đồng nghĩa với cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng cao hơn.

Trả lời câu hỏi, năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng có xét tuyển học bạ hay không? Cô Hạnh cho hay, Trường vẫn duy trì các phương thức cũ để xét tuyển Đại học. Ngoài các ngành chất lượng cao thì tất cả các ngành đào tạo đại trà của trường thì đều có xét học bạ.

“Việc lựa chọn ngành nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là phù hợp với sở thích, sở trường, có như vậy mới đam mê học tập.

Và quan trọng hơn là các bạn đón lấy cơ hội việc làm của mình, người ta nói đó là “chọn được cái ngành mà mình thích và yêu cái ngành mình đã chọn”.

Các bạn nên chăng có cân nhắc khi đăng ký vào các ngành của Trường sư phạm. Ví dụ ngành Công nghệ Thông tin được đánh giá là ngành hót hiện nay.

Nhưng nếu lựa chọn ngành Tin học thì bạn có thể vừa chọn công việc giảng dạy, bởi nhu cầu giáo viên ngành này ở các bậc học khá lớn. Ngoài ra, cũng có thể công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, cô Hạnh nói.