(HNM) – Cách đây 45 năm, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

Về sự kiện lịch sử vĩ đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14-2-1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

45 năm qua, từ trang sử chói lọi ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đoàn kết một lòng tiến hành thành công công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Giờ đây bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng trong thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhân sự kiện lịch sử vĩ đại này, Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài viết: “Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020): Trang sử chói lọi, khát vọng hùng cường”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Những quyết sách chiến lược

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là những quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng trong giai đoạn quyết định cuối năm 1974, đầu năm 1975.

1. Sau nhiều năm kháng chiến với biết bao hy sinh gian khổ, nhân dân Việt Nam đã giành những thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, sau chiến thắng vang dội Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi này có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, bởi từ đây, Mỹ đã rút quân ra khỏi miền Nam, so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi căn bản có lợi cho ta. Từ đây, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, thời kỳ đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris, tạo thế, tạo lực, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng.

Mặc dù đã ký Hiệp định Paris, nhưng Mỹ vẫn âm mưu tiếp tục dùng chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam Việt Nam thành một nước với chế độ thân Mỹ, thực chất vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Theo đó, các hành động chống phá Hiệp định Paris liên tiếp xảy ra. Từ thực tiễn đó, ngày 27-3-1973, Bộ Chính trị họp mở rộng, đánh giá tình hình thi hành Hiệp định Paris, đề ra phương hướng đấu tranh đối với Mỹ. Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khẳng định: Mỹ đã thực sự rút quân, nhưng chưa thực sự chấm dứt dính líu, ngụy còn ngoan cố phá hoại hiệp định. Ta cần tranh thủ xây dựng mọi mặt, đấu tranh quy trách nhiệm cho Mỹ, buộc đối phương phải thi hành hiệp định.

Như vậy, tuy Hiệp định Paris đã ký kết, nhưng miền Nam vẫn chưa có hòa bình. chính quyền Sài Gòn vẫn ngang nhiên vi phạm hiệp định, thực hiện nhiều hành động khủng bố trong vùng tạm chiếm và tiến hành lấn chiếm vùng giải phóng. Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra cho Đảng là phải có những quyết sách mới để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 7-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (khóa III) được tổ chức, khẳng định: Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực; nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; kẻ thù chính của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới vẫn là đế quốc Mỹ và tập đoàn thống trị tay sai của Mỹ; nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; nhiệm vụ của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam là phải tranh thủ những điều kiện thuận lợi hiện có, ra sức chi viện miền Nam…

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (khóa III) là một trong những văn kiện lịch sử, có ý nghĩa rất quan trọng, là phương hướng chỉ đạo đưa cách mạng ở miền Nam vượt qua một trong những thời điểm cam go nhất của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Nó là đường lối cơ bản chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng ở miền Nam sau thắng lợi của Hội nghị Paris, làm chuyển biến tình hình cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong giai đoạn kết thúc chiến tranh từ cuối năm 1973 đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 toàn thắng.

2. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (khóa III), những tháng cuối năm 1973, đầu năm 1974, quân dân ta ở miền Nam đã giành những thắng lợi rất quan trọng trên mặt trận quân sự, chính trị… Ta đã tạo được thế và lực mới cho cách mạng miền Nam phát triển. 

Tháng 7-1974, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Bản dự thảo kế hoạch đề xuất tiến hành ba đòn chiến lược trên cả ba vùng, trong đó đô thị có tầm quan trọng quyết định, đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định và Đà Nẵng. Hướng tiến công chủ yếu là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được chia làm hai bước: Bước một, năm 1975, mở cuộc tiến công rộng khắp ba vùng, đánh bại về cơ bản chương trình bình định của địch, diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng chủ lực đối phương. Bước hai, năm 1976, tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền gửi cho Ban Chấp hành Trung ương và Quân ủy Trung ương kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định để tiến lên hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Nhìn chung, ý tưởng và quyết tâm của hậu phương lớn với tiền tuyến gặp nhau ở điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian ngắn nhất là trong một vài năm tới. Vấn đề còn lại là phương án hành động sao cho giành thắng lợi nhanh nhất, gọn nhất, bất ngờ nhất, ít tốn xương máu nhất.

Trong tháng 10 và tháng 12-1974, tập thể Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng các tướng lĩnh, cán bộ chủ chốt của chiến trường hai lần họp hội nghị thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Về quyết tâm chiến lược, ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 làm cho lực lượng ta lớn mạnh vượt bậc, mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện chín muồi để tổng công kích – tổng khởi nghĩa trong năm 1976; mục tiêu trong năm 1976 là phát động tổng công kích – tổng khởi nghĩa, đánh lớn, đánh nhanh, diệt từng sư đoàn địch, đánh vào Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài kế hoạch cơ bản này, ta còn dự kiến một phương án: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Trên thực tế, đây là một sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị cuộc tổng tiến công trong thời kỳ kết thúc chiến tranh cũng như sau này trong việc điều hành cuộc tổng tiến công chiến lược.

Thắng lợi của toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975 càng cho thấy rõ khả năng thực tế của quân đội Sài Gòn, còn Mỹ rất khó quay trở lại. Điều đó thêm củng cố quyết tâm chiến lược mà ta đã dự kiến từ giữa năm 1974.

Sau khi đã hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mở đầu từ ngày 4-3-1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt và kết thúc thắng lợi vào ngày 30-4-1975.

Thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng đề ra trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (khóa III) và tiếp sau đó là trong những hội nghị Bộ Chính trị (đặc biệt các hội nghị tháng 10, tháng 12-1974 và các hội nghị trong tháng 3-1975) là hoàn toàn đúng. Những quyết sách chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo chính xác, kịp thời, kiên quyết, táo bạo và sắc bén của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi của “Đại thắng xuân 1975”.

Năm tháng trôi qua, nhưng những quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng, để thu non sông về một dải vào năm 1975 vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. 

(Còn nữa)

ĐẠI TÁ, PGS.TS. NGUYỄN VĂN SÁU – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/965071/ky-niem-45-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975—3042020-trang-su-choi-loi-khat-vong-hung-cuong