Đối với nhiều giáo viên, dạy học tích hợp không phải là khái niệm quá mới mẻ, tuy nhiên, việc tổ chức dạy học tích hợp, với một số môn cụ thể, như Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý, chắc hẳn trong thực tiễn sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc mà nếu không được nhận diện đúng và có định hướng đúng thì sẽ khó giải quyết thỏa đáng, giáo viên, nhà trường có thể sẽ lúng túng, cha mẹ học sinh có thể chưa yên tâm… Xin giới thiệu bài viết của GS.TS. Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.
(Ảnh minh họa từ Internet)
Không hoàn toàn xa lạ
Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành, dạy học tích hợp là một trong những vấn đề được công luận, nhất là đội ngũ giáo viên trên cả nước quan tâm nhiều nhất, vì đây là một trong những vấn đề quan trọng, thể hiện rõ nguyên tắc giáo dục theo định hướng lấy phát triển năng lực và phẩm chất của người học làm mục tiêu. Tuy nhiên, dạy học tích hợp hoàn toàn không phải là điều quá xa lạ đối với đại đa số giáo viên.
Từ xưa đến nay, giáo dục nói chung và hoạt động dạy và học nói riêng, ở tất cả các cấp, tất cả các lĩnh vực và các môn học đều đã và đang diễn ra trong các hình thức tích hợp khác nhau, với những nội dung và mức độ khác nhau. Đối với các môn học thuộc lĩnh vực KHXH thì điều này càng rõ hơn. Trong giáo dục phổ thông, các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, xét về bản chất, đều là những môn học dựa trên các khoa học liên ngành, và vì thế, đều vốn đã là những môn tích hợp. Chẳng hạn, khi dạy và học lịch sử, người ta vẫn phải dạy và học cả về địa lý, quân sự, kinh tế, văn hóa, chính trị vv… thậm chí, trong những nội dung cụ thể, người ta còn phải tìm hiểu cả về tôn giáo, y học, địa chất, thiên văn vv… Tương tự, khi dạy và học về địa lý, người ta phải tìm hiểu về cả tự nhiên (thổ nhưỡng, khoáng sản, động vật, thực vật) và xã hội (dân cư, kinh tế, chính trị, hành chính vv…). Như vậy, bản thân các khoa học như sử học hay địa lý, xét về bản chất, đã là những khoa học liên ngành, và việc dạy học các môn Lịch sử và Địa lý xưa nay đã và đang theo cách dạy tích hợp, tức là phối hợp vận dụng phương pháp và tri thức của nhiều khoa học chuyên ngành khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục. Trong dạy và học toán và các môn khoa học tự nhiên cũng như vậy. Thực tế là, không thể có bất kỳ một môn học nào mà người ta có thể dạy và học thành công, hiệu quả, nếu không dạy và học theo hình thức tích hợp với những nội dung, phương pháp, hình thức và mức độ phù hợp. Vậy, dạy và học tích hợp có gì lạ đâu!
Từ xưa đến nay, giáo dục nói chung và hoạt động dạy và học nói riêng, ở tất cả các cấp, tất cả các lĩnh vực và các môn học đều đã và đang diễn ra trong các hình thức tích hợp khác nhau, với những nội dung và mức độ khác nhau. Đối với các môn học thuộc lĩnh vực KHXH thì điều này càng rõ hơn. Trong giáo dục phổ thông, các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, xét về bản chất, đều là những môn học dựa trên các khoa học liên ngành, và vì thế, đều vốn đã là những môn tích hợp. Chẳng hạn, khi dạy và học lịch sử, người ta vẫn phải dạy và học cả về địa lý, quân sự, kinh tế, văn hóa, chính trị vv… thậm chí, trong những nội dung cụ thể, người ta còn phải tìm hiểu cả về tôn giáo, y học, địa chất, thiên văn vv… Tương tự, khi dạy và học về địa lý, người ta phải tìm hiểu về cả tự nhiên (thổ nhưỡng, khoáng sản, động vật, thực vật) và xã hội (dân cư, kinh tế, chính trị, hành chính vv…). Như vậy, bản thân các khoa học như sử học hay địa lý, xét về bản chất, đã là những khoa học liên ngành, và việc dạy học các môn Lịch sử và Địa lý xưa nay đã và đang theo cách dạy tích hợp, tức là phối hợp vận dụng phương pháp và tri thức của nhiều khoa học chuyên ngành khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục. Trong dạy và học toán và các môn khoa học tự nhiên cũng như vậy. Thực tế là, không thể có bất kỳ một môn học nào mà người ta có thể dạy và học thành công, hiệu quả, nếu không dạy và học theo hình thức tích hợp với những nội dung, phương pháp, hình thức và mức độ phù hợp. Vậy, dạy và học tích hợp có gì lạ đâu!
Tại sao phải dạy và học tích hợp?
Hoạt động học tập xét về bản chất là hoạt động có mục đích của con người, nhằm nhận thức thế giới và phát triển phẩm chất và năng lực của người học để hoàn thiện bản thân và để hướng tới cái đích cuối cùng là cải thiện và nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của con người. Và thế giới (vi mô và vĩ mô) luôn luôn là một chỉnh thể, hay cụ thể hơn: tự nhiên, xã hội, tư duy và cả bản thân con người đều là những chỉnh thể. Để hiểu thấu từng bộ phận, từng yếu tố, từng mối quan hệ của các chỉnh thể đó, người ta có thể và cần phải đi sâu, tìm hiểu chúng. Đó là lý do khoa học (và giáo dục) đã phát triển từ chỗ là khoa học tổng hợp đến khoa học chuyên ngành, thậm chí chuyên ngành rất sâu. Tuy nhiên, quy luật của nhận thức là: người ta có thể tìm hiểu thật sâu về lĩnh vực, yếu tố hay quan hệ nào đó, nhưng rốt cuộc lại chỉ có thể hiểu biết thật đầy đủ và chân xác về các đối tượng chuyên biệt trên, nếu đặt nó trong cái chỉnh thể mà nó hợp thành. Yêu cầu này đã thúc đẩy việc hình thành các khoa học đa ngành và liên ngành, ngày càng phát triển từ cuối thế kỷ 20 đến nay.
Thực tiễn phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới ngày nay cũng ngày càng đặt ra các vấn đề có độ phức hợp cao, do đó, yêu cầu của việc nhận thức và giải quyết các vấn đề đó đã vượt quá khuôn khổ và năng lực của tất cả các khoa học chuyên ngành. Chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, lây lan tệ nạn xã hội, toàn cầu hóa văn hóa, khủng bố quốc tế vv… Vì vậy, việc giáo dục theo nguyên tắc tích hợp để góp phần hình thành và phát triển năng lực nhận thức và giải quyết các vấn đề nói trên một cách sáng tạo và hiệu quả, bền vững là yêu cầu khách quan của thực tiễn.
Vả chăng, năng lực của con người trong hoạt động thực tiễn cũng luôn luôn là năng lực tích hợp, cho dù để thực hiện những công việc hay giải quyết các vấn đề cụ thể, người ta cần nhiều hơn những năng lực chuyên biệt nào đó. Chẳng hạn, khi khuân vác một vật nặng, hay khi chạy, khi bơi thì người ta cần phát huy nhiều hơn năng lực vận động, năng lực thể chất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không cần phát huy, thậm chí là phát huy cao độ, năng lực trí tuệ, năng lực tinh thần và năng lực cảm xúc vv… Tương tự, khi sáng tác một bản nhạc, một bài thơ hay khi giải một bài toán người ta sẽ vận dụng nhiều hơn năng lực cảm xúc, năng lực thẩm mỹ và năng lực tư duy, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người không cần phát huy các năng lực thể chất, năng lực tinh thần vv… Câu nói của người xưa “sư tử bắt thỏ dùng hết sức” có hàm ý như vậy.
Đương nhiên, cũng nên thừa nhận thực tế là mỗi cá nhân con người đều có những ưu điểm, hạn chế, sở trường, sở đoản, năng khiếu và sở thích khác nhau. Giáo dục không thể không quan tâm đến điều này, mà trái lại càng ngày càng phải hướng tới yêu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng. Vì thế, sự kết hợp hài hòa giữa phát triển năng lực chuyên biệt, năng lực đặc thù với năng lực chung, năng lực tích hợp là một đòi hỏi khách quan đối với bất cứ nền giáo dục nào.
GS.TS Phạm Hồng Tung (Theo RGEP)